Các loài khác Hình tượng động vật trong văn hóa

Loài cá

Một đàn cá chép Koi đa dạng về màu sắc, tượng trưng cho phú qúy, dư dật
Hai cô gái hóa trang thành nàng tiên cá

Loài nói chung là biểu tượng cho sự tốt lành, cho nguồn nước. Trong văn hóa phương Đông, chữ Hán về loài cá là ngư (魚) đồng âm với chữ dư (餘) tức là dư thừa, dư dật và Cửu ngư (九魚) tức 9 con cá, phát âm giống như cửu dư (久餘) nghĩa là dư dật lâu dài, ngụ ý một ước mong được sống khá giả mãi, do đó hình vẽ cá trên tranh Mẫu đơn phối hợp với cá lội là biểu tượng Phú quý hữu dư (富貴有餘) nghĩa là phú quý dư dật là lời chúc nguyện tốt đẹp. Loài cá chép đóng một vai trò rất lớn trong văn hóa Á Đông, chúng là biểu tượng của sự nỗ lực với giai thoại Cá chép hóa rồng. Trong văn hóa phương Tây, hình tượng cá nổi bật có lẽ là nàng tiên cá.

Cá vàng biểu tượng cho sự thông minh, tĩnh lặng và cuộc sống lâu dài, nó thường xuất hiện và có ý nghĩa trong nhiều tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Ở thời Ai Cập cổ đại, cá vàng là nguồn động lực cổ vũ tinh thần các thành viên trong gia đình và lòng dân trong nước. Ở Hy Lạp cổ đại, cá vàng mang lại hạnh phúc trong hôn nhân và các mối quan hệ. Còn trong Phật giáo, cá vàng biểu trưng cho khả năng sinh sản, sự dồi dào và hòa thuận. Cá tại Campuchia, loài cá được xem là đại diện cho sức khỏe, thịnh vượng và may mắn, đặc biệt, loài cá có tên Try Kantrop được xem là cực kỳ may mắn. Loài cá này đã truyền cảm hứng cho sản phẩm điều trị thiếu máu ở Campuchia là con cá sắt may mắn.

Koi ở Trung Quốc (cá chép) là một biểu tượng của sức mạnh và lòng dũng cảm, vì nó được cho là sống trong hơn 100 năm và trong tự nhiên, nó bơi ngược dòng, chống lại nghịch cảnh trong suốt cuộc đời dài của nó. Trong phong thủy, cá Koi có liên quan đến cá vàng hay cá chép, vì thế đặt ba con cá vàng trong một cái bát mang lại sức mạnh và sự thịnh vượng trong thời điểm khó khăn. Người ta cũng tin rằng bức tượng hoặc hình ảnh của cá Koi hoặc cá chép sẽ mang lại may mắn cho gia đình hoặc doanh nghiệp[94].

Cá hoá rồng vốn là truyền thuyết được lưu truyền phổ biến ở Việt Nam, gắn với tích “Ngư dược Vũ môn” của khoa cử Nho học. Trong nghệ thuật Việt Nam, đề tài cá hóa rồng bắt đầu xuất hiện từ thời Trần về sau, nhưng phổ biến và đạt tới đỉnh cao nghệ thuật vào thời Lê sơ. Bức tranh nổi tiếng về chủ đề cá là Lý ngư vọng nguyệt (鯉魚望月) tức Cá chép trông trăng. Người Việt còn có câu “chim sa, cá nhảy” để ám chỉ những điều xui xẻo nếu gặp phải hiện tượng này hiện nay chưa có một cơ sở nào để giải thích cho việc xui xẻo do “chim sa, cá nhảy” gây ra thực tế, có những con cá nhảy lên bờ là đặc tính của chúng như cá chuối kiếm thức ăn cho đàn con[95]

Một con quái vật vũ trụ có hình dạng của loài cá

Trong số các loài cá, hình tượng con cá mập được khắc họa rất tiêu cực thông qua các bộ phim, tiểu thuyết vì những vụ cá mập tấn công con người, chúng được mô tả như những cổ máy sát thủ đầy chết chóc, rùng rợn ở đại dương và gắn với tên gọi hung thần của biển cả. Một số loài cá còn lại cũng được khắc họa là dữ dằn và ăn thịt người, chẵng hạn như cá da trơn, một con quái vật trong văn hóa Nhật Bản là con cá cù Namazu (鯰) hay Ōnamazu (大鯰) là con cá trê khổng lồ chuyên gây ra động đất ở Nhật Bản, mặc dù theo truyền thuyết thì nó sống ở tận Hội An nên người ta dùng tượng Thần hầu (khỉ) và Thần cẩu (chó) để trấn yểm.

Một loài cá khác gắn với nhiều huyền thoại tiêu cực là cá răng đao (Piranha) mà cụ thể là loài cá răng đao bụng đỏ được khắc họa qua những bộ phim kinh dị. Bộ phim Piranha năm 1978 của Joe Dante, bộ phim Piranha II: The Spawning, vào năm 1982, và hai bản làm lại, một vào năm 1995 và một phiên bản vào năm 2010. Những bộ phim như thế này và những câu chuyện về về những con quỷ bụng đỏ tấn công con người, khiến chúng bị phóng đại sự khét tiếng là một trong những loài cá nước ngọt hung dữ và khát máu nhất khi cả đàn cá điên cuồng tấn công và xâu xé ăn thịt người, trên thực tế, chúng là những loài cá khá nhút nhát và chỉ rỉa ăn xác thối.

Trong các đám tang một số dân tộc ở Việt Nam, còn thấy xuất hiện các hình tượng cờ con cá, đại diện cho nước và cờ con hươu, đại diện cho trên cạn, cùng dẫn đường cho linh hồn người chết về với cõi trời. Tục thờ cá thần còn là biểu hiện của tín ngưỡng lâu đời thờ các vật linh của người Mường địa phương ở Thanh Hóa và Hà Giang cụ thể là đàn cá và thần rắn luôn được tôn trọng[96]. Cá thần ở Bắc Ninh xuất hiện khi người dân Kinh Bắc lại xôn xao về ba "ông cá thần" nằm trong giếng Ngọc nổi tiếng nước trong xanh, ăn ngon, ba “ông cá thần” trong giếng này giống như cá chép[97].

Và con cá đá dưới giếng cổ Nho Lâm mà truyền kỳ cho rằng đã đội bia lên đền và “cõng hồn” Trương Ba về làng, cá đá vẫn hiển hiện dưới đáy giếng cổ, đền Đế Thích trở thành chốn thiêng liên quan đến một con cá đá khổng lồ, con cá đá này chính là kình ngư mà hồn Trương Ba cưỡi về nhập vào xác anh hàng thịt. Đồng thời, cá đá còn theo dòng sông Cốc đội một chiếc khánh đá vào trong am Đế Thích. Sau đó, cá xuôi dòng và chững lại trong giếng cổ Nho Lâm. Vào thời nhà Lý dưới triều vua Lý Thánh Tông biết đến câu chuyện lạ cá đá đội khánh đá ở Liêu Hạ, thái tử Quốc công đã về đây xây dựng ngôi đền với một tảng đá xanh rêu phong nằm dưới đáy giếng, tảng đá dài khoảng 1,5m, hình dáng như một con cá có kích cỡ lớn[98].

Ở miền tây Thanh Hóa có ba hang cá thần nằm hai bên bờ sông Mã gồm Suối Cá thần Cẩm Lương (còn gọi là Mó Ngọc), suối Cá thần Cẩm Liên (còn gọi là Suối Đóng hay Mó Đóng), suối Cá thần tại xã Văn Nho nằm tại bản Chiềng Ban, huyện Bá Thước[99]. Từ khi phát hiện ra Suối cá thần người dân trong bản đã lập ban thờ bên cạnh khu vực hang động nằm cách suối cá để thờ Thần Cá. Những câu chuyện ly kỳ xung quanh suối cá thần là đề tài thu hút khách thập phương. Người dân tin rằng sự sung túc của bầy cá là biểu tượng của sự bình yên, no ấm, và suối cá rất linh thiêng, ai dám bắt và ăn thịt các loại cá trên dòng suối này là xúc phạm đến thần linh gây tai họa cho mình và cả cộng đồng.

Hằng năm, lễ tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối được mở từ ngày 8-15 tháng Giêng âm lịch, người Mường xứ Thanh tổ chức lễ hội Rước cá Thần (còn gọi là lễ hội khai Hạ). Có câu chuyện đồn rằng có một đôi thanh vì tò mò họ đã dùng đá đập chết một con cá, trên đường quay trở về đã gặp tai nạn chết. Những người dân trong bản đều tin rằng nếu ai trêu đùa, làm hại cá thần hay làm bẩn nước, nhẹ sẽ bị ốm, còn nặng sẽ bị mất mạng và người dân trong bản luôn xem loài cá này là Thân và không dám ăn cá, dù vậy thì những nơi loài cá này sinh sống mà không phải ở Thanh Hóa thì loài cá thần này được xem như là một món đặc sản.

Suối cá tại chân núi Trường Sinh thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy cách trung tâm Thanh Hóa gần 100 km về phía tây Bắc, đàn cá luôn bơi hướng về trong hang

Đàn cá ở suối cá thần Cẩm Lương (Mó Ngọc) có hàng nghìn con gồm các loài cá dốc (Spinibarbichthys denticulatus) thuộc bộ Cá chép, phần đầu giống cá chép nhưng thân lại giống cá trắm sông ngoài ra còn cá chài, cá mại. Hình thù các loài cá này rất lạ, màu sắc phong phú như màu đỏ, xanh, hồng, mỗi khi bơi, thân cá thần phát sáng nhiều màu, lấp lánh ánh bạc. Loài cá thần ở đây là có Dốc, mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, cá chúa nặng tới 30 kg, thân mình nhiều hoa văn, có thể trông rõ từng chiếc vây. Cá sống và sinh sản chủ yếu bằng thức ăn rong, rêu và các loại lá cây hai bên bờ suối rụng xuống như lá dâu da xoan, lá cây long lạnh, lá bưởi, lá lim là một loại lá rất độc.

Vào thế kỷ XIX có một trận lụt đã đưa loài cá Dốc từ Sông Mã về sống tại suối Ngọc nằm cách sông Mã chưa đầy 2km, gặp nguồn nước ấm chúng đã không quay trở về sông Mã nữa, vào mùa nước cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu khoảng 20cm đến 40cm, nước trong vắt, có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá thần[100]. Đàn cá bám theo dòng nước ấm và nơi lý tưởng nhất mà chúng tìm được là quanh khu vực có nguồn nước tinh khiết chảy ra từ dòng suối, dù là nơi thường xuyên bị lũ lụt nhưng cá trong suối không trôi đi, khi nước lớn tràn vào suối, những con cá lớn chui vào hang, hốc để trốn, những con nhỏ nếu bị nước cuốn đi cũng có thể tự biết đường bơi trở lại.

Trên đầu nguồn suối Ngọc có một con cá mẹ nặng hàng trăm kg, là thủy tổ của cá suối Ngọc. Trước kia cá Mẹ thường hay xuống dạo chơi cùng các con nhưng bây giờ già yếu rồi nên không xuống nữa. Có người kể lại rằng cá Mẹ chỉ nằm một chỗ, ít khi di chuyển ra ngoài thung, khoảng 5 năm mới ra ngoài một lần và năm nào cá Mẹ xuất hiện thì dân quanh vùng đều được mùa, làm ăn phát đạt. Người dân địa phương cho rằng không phải cá ở đây không chết mà chúng có thể chết ở một hang hốc nào đó, hy hữu lắm mới thấy một vài con chết bên bờ suối. Khi cá chết phải tế lễ để xin phép thần Rắn rồi mới được phép đem chôn, mộ của cá cũng phải được đánh dấu đàng hoàng.

Loài cá ở mó Đóng được người dân Mường gọi là "cá Phốôc" (phốc) hay cá dốc, có hình thù mình tựa cá trắm, bụng căng tròn ở phần giữa thân, vẩy như vẩy cá chép, lưng hơi sẫm, môi có màu phớt hồng, vây và đuôi có chấm đỏ rất bóng, vây đỏ, má đỏ, ăn tạp và nặng tới 6-7kg, con nhỏ thì cũng 300 gram. Đàn cá ở suối cá thần có hàng nghìn con lớn, nhỏ, cá có nhiều kích cỡ, có những con chỉ bằng chuôi dao, nhưng cũng có những con khối lượng lên tới 7-8kg. Mỗi con cá có thể nặng từ 2 kg đến 8 kg, cá Chúa còn có khối lượng lên tới 30kg. Các loài cá ở đây thân thiện, gần gũi với con người, cá Dốc ở suối Mó Đóng nhiều như vậy nhưng không ai dám đánh bắt để ăn[101]. Cá chỉ bơi quanh quẩn tại một đoạn suối dài hơn 100 m và không bơi ra xa hơn, cá chẳng bao giờ bơi ra ruộng. Cứ mỗi buổi sáng, đàn cá lại từ trong hang chui ra, chiều tối, đàn cá lại rủ nhau về hang trú ẩn. Chúng chỉ quẩn quanh trong một diện tích chừng 500 m2 rồi lại quay vào, nếu có lỡ lạc hay ra ngoài cống này, cá Mó Đóng sẽ không thể quay về và chết.

Cá rất phàm ăn, rất hiền, bơi một cách chậm chạp dưới dòng suối, thỉnh thoảng có những con cá to lớn nhảy lên khỏi mặt nước[102]. Ngoài ăn lá cây rơi rụng từ trên cao, đàn cá còn được cho ăn rau muống 1 hoặc 2 lần/tuần. Khu vực suối cá từng là nơi đóng quân của lính Pháp, họ không đánh bắt cá ăn mà còn chăm sóc, lập bàn thờ chúng, lính Pháp lại không đánh bắt cá ở suối cá này, ngược lại, họ còn đối đãi và chăm sóc cho cá. Họ còn lập bàn thờ trong một hang động nằm phía trên suối cá khoảng 10 mét để thờ loài động vật này. Câu chuyện về đàn cá thần thứ ba lưu truyền hàng trăm năm ở địa phương, kể lại, trong thời gian đóng quân ở quanh suối cá, một vài lính Pháp tử vong sau khi bắt loài cá này ăn nên họ không ăn mà lập bàn thờ cá[103].

Đồ mã cúng Táo Quân với cá chép đỏHọa phẩm về miếng thịt cá hồi

Suối cá thần thứ ba ở Chiềng Ban có cá thần chính là cá bỗng (Spinibarbus denticulatus) ở miền núi, có thể ăn được và không gây độc, cá ở đây nặng từ 400g đến 5kg. Loài cá này được người dân Mường gọi là "cá Dốc", giống cá màu xanh thẫm này có hai bên mép đỏ tươi, mỗi khi bơi phát ra những luồng ánh sáng lấp lánh như ánh ngọc đẹp mắt, có hình thù mình tựa cá trắm, căng tròn ở phần giữa thân, vẩy như vẩy cá chép, lưng hơi sẫm, môi có màu phớt hồng, vây và đuôi có chấm đỏ. Những con cá ở đây có màu sắc rất lạ, nếu hạ mực nước đập, sẽ có cơ hội gặp những con cá đeo khuyên tai vàng vòng bạc theo đàn ra ngoài cửa hang tắm nắng, đây cũng là loài cá ở suối cá thần Cẩm Lương.

Ở bản Chiềng Ban có đàn cá quý, nổi tiếng linh thiêng, đặc biệt có bà cá chúa to lớn lạ thường trên tai đeo chiếc khuyên vàng. So với đàn cá Cẩm Lương, cá ở Chiềng Ban không tập trung dày đặc trước cửa hang, mà bơi lội tản mát, chỉ nổi lên khi được cho ăn. Có chuyện về sự xuất hiện của bà cá chúa to lớn đeo vòng vàng và những câu chuyện rùng rợn về cá thần báo oán. Sự tích đàn cá ở Chiềng Ban có chừng 400 năm trước, gắn với việc Quận công Hà Công Vụ gây dựng Mường Ký. Sự thật về bà cá chúa đeo khuyên vàng và chuyện những con cá có đeo khuyên tai vàng chỉ mới xuất hiện sau năm 1945[104].

Về các truyền thuyết, có ba truyền thuyết liên quan, người Thái ở Mường Ca Da lý giải là do cuộc thủy chiến của các Long vương trên dòng sông Mã và cá thần chính là bại binh sau cuộc thủy chiến và huyền tích về ông Pú Quán Muôp, Long vương Pha Bố, đại tướng Ngao Vương, Long vương Cơm Hạo ở Long cung Pha Tém. Đội liên quân của Long vương Pha Bố-Cơm Hạo đánhh tướng Ngao Vương vốn là con thuồng luồng có chiếc mào đỏ và sáng choang như ánh mặt trời bị Pú Quán Muôp giương nỏ bắn, quân lính của Ngao Vương lập tức tan tác. Một cánh quân khác chạy trốn vào hang đá Chiềng Ban, những con cá thần chính là hóa thân của đội quân này.

Đội quân của đại tướng Ngao Vương thua trận chạy về, bị Long vương Pha Bố nổi giận đuổi ra khỏi Long cung. Ngao Vương đành đem tàn quân ngược dòng, trú thân ở hang đá Cẩm Lương hiện nay. Khi nước sông Mã rút xuống, đội quân ấy hóa thân thành đàn cá đông đúc, luôn có tư thế bơi hướng về trong hang đá để trú ẩn. Pú Quán Muôp được Long vương Pha Tém trọng thưởng nhưng ông chỉ đem về ít cám, vỏ trấu, đặc biệt là con gà trống, túi vỏ trấu bị gió thổi bay xuống sông, hóa thành loài cá mại, túi cám cũng bị rơi, hóa thành loài tôm đặc biệt ngon, nhìn rất khác biệt so với các con tôm sông, chỉ riêng có tại Phú Nghiêm[105].

Một truyền thuyết khác kể về người Mường hay dệt vải, bỗng dưng một hôm có con gà lông trắng chạy từ cổng hang của núi Đóng ra ăn hạt vải mà người Mường đang dệt quần áo. Khi đó, một cô gái Mường cố đuổi theo con gà trắng và cả người lẫn gà đều mất hút trong hang động, không tìm ra con gà trắng và cô gái Mường. Sau này, chỉ thấy từ hang núi đó rất nhiều đàn cá bơi ra, đông nghịt bên suối Mó Đóng. Một tích khác về cá thần hiền lành, thân thiện với người dân Mường, cá quẫy lên đã cày ruộng giúp nên từ đó lập miếu thờ gần suối, người dân trong thôn nếu có trông thấy cá chết, họ đem cá quấn vải đi chôn như đối với một con người, khi thấy có cá lớn, có người chắp tay khấn vái nhưng có nhiều người bỏ chạy do hoảng sợ tưởng là thủy quái nhưng người dân, họ tin rằng khi loài cá lớn này xuất hiện là dấu hiệu báo sự may mắn, mưa thuận gió hòa[106].

Loài lưỡng thê

Động vật lưỡng cư đã xuất hiện trong nhiều thế kỷ trong nền văn hóa. Từ sa nhông lửa đến ếch nhái (và đôi khi là cóc) trong thần thoại và cổ tích và đôi khi loài sa giông cũng xuất hiện trong văn học phương Tây, động vật lưỡng cư đóng vai trò là những sinh vật kỳ dị và đôi khi đáng tởm vì ngoại hình tởm lợm, nhớp nháp, trơn truột, tởm tuốc của chúng. Bệnh dịch do những con ếch chết gây ra được xem như một hình phạt người Ai Cập trong Kinh thánh Cựu ước. Ếch cũng được nhắc đến trong những câu chuyện ngụ ngôn của Aesop. Một thuật ngữ ẩn dụ là hội chứng ếch luộc chỉ về sự kém phản ứng của con người, sự chậm trễ, ngại đổi mới, sợ thay đổi cuối cùng sẽ tự làm hại chính bản thân mình.

Tượng ếch ngồi thiền ở Việt Nam

Tuy nhiên, ếch tượng trưng cho khả năng sinh sản, như ở Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và La Mã, trong khi ở Trung Quốc cổ đại, chúng được gắn kết với việc chữa bệnh và may mắn trong kinh doanh, nếu có những con ếch nhảy vào nhà thì đó là dấu hiệu tốt về tài chính, tiền sẽ đến[107]. Hình tượng ếch nhái trong văn hóa khá phổ biến trong các câu chuyện thiếu nhi ở châu Âu (chẵng hạn như Hoàng tử ếch), trong văn hóa Việt Nam, con cóc được coi là cậu ông trời trong câu chuyện cóc kiện trời, người Việt, người Hoa ở Trung Quốc và Việt Nam lại có tục chưng tượng con cóc vàng ngậm tiền (Kim Thiềm hay Thiềm Thừ hay Cóc ba chân) để cầu tài.

Trong văn hóa phương Tây ở châu Âu, sa giông hay cá cóc (Salamander) là một loài lưỡng cư, giống như nhiều sinh vật có thật, thường được các tác giả tiền hiện đại gán cho những phẩm chất tuyệt luân và đôi khi huyền bí (như trong các mô tả ngụ ngôn về động vật trong các loài động vật thời trung cổ). Những truyền thuyết về những con sa giông huyền thoại thường được miêu tả là một loài sa giông điển hình có hình dạng giống thằn lằn, nhưng thường được coi là có duyên với lửa. Sinh vật huyền thoại này mà trong số những phẩm chất này bắt nguồn từ những đặc điểm có thể kiểm chứng được của sinh vật tự nhiên nhưng thường bị phóng đại. Một số lượng lớn truyền thuyết, thần thoại và biểu tượng đã thêu dệt xung quanh sinh vật này qua nhiều thế kỷ. Sau này, Carl Linnaeus vào năm 1758 đã mô tả khoa học về kỳ giông và ghi nhận các đặc điểm chính mà người xưa mô tả, khả năng sống trong lửa và khả năng tiết dịch nhờn.

Loài thân mềm

Yog-Sothoth trong hình hài con bạch tuộc với những cái vòi xúc tu

Trong số các loài thân mềm, chân đầu thì hình tượng con bạch tuộc cũng phổ biến trong văn hóa và được khuôn mẫu như những sinh vật khổng lồ trồi lên từ đáy đại dương để ăn thịt người tấn công và phá hủy tàu bè. Con bạch tuộc khổng lồ đã trở thành đề tài của văn hóa dân gian về biển cả trong nhiều thế kỷ và đã được xuất hiện trong các câu chuyện như The Kraken, Pirates of the Caribbean: Dead Man's ChestHai mươi ngàn dặm dưới đáy biển (Twenty Thousand Leagues Under the Sea), Mega Shark Versus Giant Octopus. Đáng chú ý là trong những câu chuyện này, những con quái vật bạch tuộc dường như chỉ nhắm vào con người (nhân vật chính) mặc dù trong khung cảnh hư cấu có nhiều con mồi dễ bắt hơn dành cho chúng.

Bạch tuộc còn tượng trưng cho tội phạm Mafia với ảnh hưởng của bộ phim cùng tên với tiểu tuyết Con bạch tuộc (La Piovra) của truyền hình Ý-RAI-UNO, hình tượng này ám chỉ hệ thống tội pham những băng nhóm tội phạm Mafia vươn cái vòi bạch tuộc đi khắp nơi như hệ thống của chúng. Mụ phù thủy Ursula trong tiểu thuyết Nàng tiên cá có hình dạng phần thân dưới là con bạch tuộc. Hình tượng con bạch thuộc là quái vật truyền cảm hứng cho nhân vật Cthulhu là quái vật vũ trụ được thiết kế nguyên mẫu của con bạch tuộc với vô vàn những cái xúc tu trong huyền tích Cthulhu Mythos.

Nhiều áp phích tuyên truyền thường miêu tả con người như một con bạch tuộc đang ngồi trên một quả địa cầu trải rộng các xúc tu nhầy nhụa của nó để chiếm lấy toàn bộ thế giới. Trong văn hóa Nhật Bản, con Bạch tuộc được hình dung là hài hước hoặc khiêu dâm gợi dục. Một ví dụ nổi tiếng là một bức tranh khắc gỗ mang tên Giấc mơ người vợ ngư phủ mô tả cảnh một phụ nữ Nhật Bản đang làm tình với con bạch tuộc với những xúc tu trơn trượt luồn quanh bộ phận sinh dục của bà này làm người phụ nữ đó rơi vào trạng thái đê mê và thường là một ví dụ cho những hình tượng làm tình với thú vật (chứng luyến thú).

Tiến sĩ Bạch Tuộc Octopus ở Phần 2 của Spiderman 2004 do Tobey Maguire thủ vai được đánh giá là xuất sắc nhất trong cả 5 tập phim Người Nhện từng ra mắt, một phần không nhỏ là nhờ vai phản diện Octopus. Tiến sĩ Bạch Tuộc tên thật là Otto Octavius, một nhà khoa học rất mực yêu thương vợ, thông minh, được tôn trọng và ôm tham vọng tạo nên nguồn năng lượng tái tạo để chia sẻ cho mọi người. Buổi thử nghiệm thất bại đã gây ra một tai nạn khiến vợ của Octavius mất. Tiến sĩ Otto phát điên và mang tâm lí “trả thù tất cả”. Ông ta sử dụng những cánh tay giả thông minh có hình dạng như vòi bạch tuộc, được kết nối với não bộ để làm vũ khí tấn công người khác. Khán giả ấn tượng với tiến sĩ Bạch Tuộc không chỉ là màn chiến đầu bằng xúc tu giả mà còn cách xây dựng nhân vật.

Trước khi đối đầu nhau, tiến sỹ Otto là người mà Peter Parker ngưỡng mộ, ăn tối cùng vợ chồng, tiến sỹ Otto còn cho Peter những lời khuyên về tình yêu, dựa trên kinh nghiệm bản thân. Tình yêu đáng ngưỡng mộ với người vợ, sự đau đớn điên loạn của Otto khi vợ qua đời vì chính phát mình của mình Otto Octavius tuy chưa được đào sâu về quá khứ như trong truyện tranh gốc, nhưng cũng đã thể hiện được sự đa chiều, phức tạp với nhiều cảm xúc được đẩy lên tận cùng. Tiến sĩ Bạch Tuộc là những kẻ thù nguy hiểm cũng như đáng nhớ của Người Nhện và màn đánh nhau trên nóc tàu hỏa của Người Nhện với Octopus trong Spiderman phiên bản năm 2004 rất kịch tính và hấp dẫn, dù không có kĩ xảo hiện đại như những phần về sau này[108].

Loài giáp xác

Quái vật càng cua trong tiểu thuyết The Time Machine

Động vật giáp xác (bao gồm cua, tôm hùm và tôm càng, tôm hùm đất) đóng vai trò quan trọng trong văn hóa và đời sống con người, như chúng là nguồn thực phẩm nuôi sống, bổ sung con người, là chủ đề trong nghệ thuật, trong các câu chuyện về loài vật và trong thần thoại, tôn giáo, tín ngưỡng, chúng còn là những đối tượng phổ biến trong nghệ thuật, đặc biệt là tranh tĩnh vật. Ở phương Tây, con cua là dấu hiệu chiêm tinh của hoàng đạo (Cung Cự Giải). Cả chòm sao Cự Giải và dấu hiệu chiêm tinh Cự Giải đều được đặt tên theo con cua. William Parsons đã phác họa Tinh vân Con Cua vào năm 1848 và nhận thấy sự giống nhau của nó với con cua; Sao xung Con Cua nằm ở trung tâm của tinh vân. Một thuật ngữ ẩn dụ chỉ về tâm lý ích kỷ của con người là Tư duy con cua hay tâm lý con cua (Crab mentality).

Trong văn hóa Việt Nam, con cua đồng gần gũi với đồng ruộng Việt Nam và được phản ánh qua nhiều câu chuyện cổ tích, ca dao tục ngữ như câu chuyện Cóc kiện trời, trong câu chuyện này thì cua là một trong 06 con vật cùng lên kiện trời (cùng với cóc, cáo, ong, gấuhổ). Khi lên trời cua đồng được cóc phân công núp trong lu nước. Sau khi thiên lôi bị ong tấn công phải nhảy vào chum nước thì cua đã kẹp cho thiên lôi đua phải nhảy ra ngoài và bị hổ xé xác. Ngoài ra cua còn hiện diện trong các câu ca dao, tục ngữ như:

  • Ngang như cua: Chỉ tính ngang bướng, cố chấp, giống như con cua hay bò ngang.
  • Con cua tám cẳng hai càng/Chẳng đi mà lại bò ngang cả ngày
  • Mò cua, bắt ốc: Chỉ về cuộc sống mưu sinh khổ cực
  • Tôm, cua, rùa, cá Chỉ về các loài thủy sản, hải sảnđặc sản.
  • Bầu, cua, tôm, cá: Một trò chơi.

Các loài tôm như tôm hùm, tôm càng, tôm hùm đất gọi chung là tôm thương phẩm cũng có vai trò quan trọng trong đời sống con người, chúng là nguồn thực phẩm quan trọng và là kế sinh nhai của nhiều người, cũng đồng thời đóng góp quan trọng vào sản lượng của ngành thủy sản trên toàn cầu. Trong đó tôm hùm là món ăn xa xỉ, một sản phẩm mì tôm nổi tiếng của Việt Nam gắn liền với nhãn hiệu 2 con tôm đỏ, biểu tượng của thị trấn Cửa Việt là hai con tôm xanh chụm vào nhau. Ở bang Louisiana vì dân khoái ăn thịt tôm hùm đất mà hàng năm đều có nhiều Lễ hội tôm rồng (Crayfish Festival), hấp dẫn hàng triệu du khách khắp thế giới đến thưởng thức. Tại các lễ hội, tôm hùm đất được chế biến thành nhiều món đặc sản hấp dẫn để phục vụ du khách. Lễ hội tôm rồng đã trở thành nét văn hóa truyền thống độc đáo của địa phương này.

Côn trùng

Họa phẩm của Luis Ricardo Falero về một nàng tiên bướm, những con bướm được xem là linh hồn của người chết, những tinh linh

Côn trùng hay còn gọi là sâu bọ đã gắn kết với đời sống con người ở tất cả mọi nơi, mọi lúc và mọi lĩnh vực hoạt động như kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, văn hoá. Suốt quá trình tồn tại và phát triển, con người không thể loại bỏ côn trùng ra khỏi đời sống của mình. Côn trùng đã đóng góp những lợi ích đáng kể với đời sống con người, chúng đã tạo ra những sản phẩm thương mại[109][110] Từ "côn" (昆) có nghĩa là nhiều nhung nhúc và từ "trùng" (虫) là loài sâu bọ, ám chỉ đến sự sinh sôi. Côn trùng thực tế còn là nguồn cung cấp thực phẩm cho con người (ăn côn trùng) và là nguồn nguyên liệu trong chăn nuôi, nuôi thú kiểng.

Các loài côn trùng còn rất khéo léo trong nhiều lĩnh vực mà con người đã và đang phải học tập, thậm chí nhiều nơi người ta còn có tục thờ côn trùng. Ngoài các đặc tính tốt như siêng năng, cần mẫn, các loài côn trùng còn là những sinh vật đầu tiên sáng tạo nên một khuôn mẫu xã hội có tổ chức, một nhà nước cục bộ thu nhỏ và một sự phân chia đẳng cấp trật tự cực kỳ nghiêm ngặt trong thế giới các loài ong, mối, kiến. Các thành viên trong xã hội các loài ong, mối, kiến đều làm nhiệm vụ một cách tự giác theo các chức năng đã được phân công một cách bản năng mà không có ai thúc ép.

Khi nói tới côn trùng, một số người thường nghĩ tới mặt có hại nhiều hơn có lợi nhưng thực tế thì các loài côn trùng có một ý nghĩa to lớn đối với đời sống con người. Người ta chia thành 3 nhóm: nhóm côn trùng có ích (gồm các thiên địch như bọ ngựa, bọ rùa, bọ cánh cam), nhóm côn trùng có hại (điển hình như ruồi, muỗi, kiến, gián, ve, bét, bọ rệp) và nhóm côn trùng chưa rõ lợi hại cụ thể. Côn trùng nhỏ gồm các loài côn trùng và châu chấu cũng có thể có nghĩa là sắp nhận được một niềm vui hay một sự vinh danh rất lớn. Trong nhiều nền văn hóa khác thì bọ rùa (loài có đôi cánh màu đỏ) cũng được xem là mang lại may mắn, ở Mỹ, người ta tin rằng nếu một con bọ rùa tình cờ đậu lên tay, tức là may mắn sắp đến với người đó.

Ai Cập, bọ hung được coi là biểu tượng của chu kì Mặt Trời và sự hồi sinh. Với người Ai Cập thì con bọ hung còn là biểu tượng của sự may mắn[111]. Tại Ai Cập cổ đại, loài bọ cánh cứng Scarabaeus sacer thuộc họ bọ hung được xem là tấm bùa hộ mệnh rất quan trọng, loài côn trùng này là biểu tượng linh thiêng với người Ai Cập cổ đại, giống như thập giá đối với người theo Công giáo. Người Ai Cập quan niệm rằng những chú bọ cánh cứng nếu được khâu vào vải ướp xác, sẽ mang lại may mắn cho bản thân ở cả thế giới này và thế giới bên kia. Ngoài ra, bọ cánh cứng cũng có liên hệ với thần linh trong nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau, trong tiếng Phạn, tên con bọ cánh cứng có nghĩa là người chăn cừu của Indra một vị thần trong đạo Hindu.

Ở cả Nhật Bản và châu Âu, trong quan niệm, một con bướm được coi là hiện thân của linh hồn một người. Theo văn hóa Nhật Bản, bươm bướm tượng trưng cho linh hồn của con người, với niềm tin rằng con người sau khi qua đời, linh hồn của họ sẽ hóa thành một com bướm trên hành trình đi về thế giới bên kia và có một cuộc sống vĩnh hằng. Bươm bướm còn là biểu tượng cho niềm vui và sự trường sinh bất tử, những tinh linh. Ngoài ra, nếu thấy hình ảnh hai chú bướm đang quấn quýt với nhau thì nó mang ý nghĩa là hôn nhân hạnh phúc. Nhật Bản có loài bướm Oomurasaki được mệnh danh là Quốc điệp, bướm Oomurasaki là một loài bướm hoàng đế mang màu tím, chúng đã được lựa chọn trở thành một trong những Quốc bảo của Nhật Bản.

Một mô hình sinh vật ngoài hành tinh dưới dạng nhện

Theo thông tục, người ta thường coi nhệnbọ cạp gọi là côn trùng, mặc dù về phân loại khoa học, chúng được xếp vào nhóm các sinh vật thuộc lớp Hình nhện (Anachida). Điều tương tự với loài bọ cạp, hình tượng bọ cạp trong văn hóa gắn liền với quan niệm về sự châm chích, trả thù, độc địa. Mặc dù vậy, bọ cạp là một trong những biểu tượng của cung hoàng đạo Phương Tây (cung Hổ Cáp) gắn với chòm sao Hổ Cáp hay Thiên Yết. Trong chiêm tinh, cung Bọ Cạp được xem là cung hoàng đạo bí ẩn vì vẻ ngoài pha chút ma mị. Người thuộc cung Bọ cạp thích cuộc sống cô độc, họ không thích tập thể, họ không thể tuân theo những tiêu chuẩn và luật lệ trừ những nguyên tắc của bản thân.

Trong các nền văn hóa từ Đông sang Tây, hình tượng loài nhện để lại dấu ấn trong nhiều địa phương, nhìn chung là gắn với nỗi tiêu cực (nhện tinh, nhền nhện) vì ngoại hình của chúng cũng như nọc độc của chúng mà con người ám ảnh với nỗi sợ nhện. Trong tiểu thuyết võ hiệp có những nhân vật có võ công tà độc của loài nhện như Vạn độc thù ma, Thiên thù vạn độc thủ. Khi luyện môn Thiên thù vạn Độc thủ từ hai chục con nhện hoa trở đi thì chất độc trong cơ thể tích tụ, dung mạo biến đổi, khi luyện xong một nghìn con, mặt mũi sẽ xấu xí. Cứ mỗi con nhện hoa thân mình từ hoa biến thành đen, từ đen biến thành trắng thì hết chất độc mà chết, bao nhiêu chất độc trong người con nhện truyền vào ngón tay. Ít nhất phải luyện khoảng một trăm con nhện hoa mới là tiểu thành, công phu muốn sâu thì phải một nghìn, hai nghìn con, từ đó vì luyện môn võ công này mà dung mạo bị hủy hoại, khuôn mặt sưng vù, cực kỳ xấu xí.

Cào cào hay châu chấu trong Kinh Thánh không phải là những hình ảnh tốt đẹp. Kinh thánh có chép về sự kiện lũ châu chấu ma quái từ vực sâu: "Những con châu chấu đó giống như những ngựa sắm sẵn để đem ra chiến trận. Trên đầu nó có như mão triều thiên tợ hồ bằng vàng, và mặt nó như mặt người ta, nó có tóc giống tóc đàn bà, và răng nó như răng sư tử" (Khải Huyền 9:7-8). Nhưng những con châu chấu ma quái trong Khải Huyền thực sự đáng ghê tởm khi những mô tả này kết hợp nhiều đặc tính của nhiều loài với nhau và nhắc đến một đại dịch châu chấu ma quái trong lịch sử nhân loại. Trong văn hóa hiện đại, có bài hát "Con cào cào" cho thiếu nhi một cách đáng yêu: "Con cào cào có cái cánh xanh xanh/Nó bay rất nhanh từ lùm cây sang bụi cỏ/Con cào cào rất thích thể thao/Nên mới bay nhanh mới nhảy rất cao/Muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao/Ai muốn khỏe đẹp thì phải tập thể thao"

Dế là biểu tượng của sự an toàn và bảo vệ, nó được xem như chó giữ nhà bởi khi có người hay sinh vật lạ đến gần, chúng sẽ không kêu nữa. Bùa hộ mệnh hình dế được tìm thấy ở nhiều khu vực châu Á và Trung Đông. Ở một số nơi, dế còn là biểu tượng của sự tái sinh, có lẽ bởi vòng đời của dế rất đơn giản và khá nhanh[112]. Dế được xem là mang lại nhiều may mắn tại châu Á và châu Âu. Dế là biểu tượng của sự an toàn và bảo vệ ở nhiều nước châu Á, tại Trung Quốc, dế từ xưa đã được coi là biểu tượng của sự khôn ngoan và thịnh vượng. Ở một số nơi, dế còn là biểu tượng của sự tái sinh, sẽ xui xẻo nếu giết một chú dế vì chúng dễ thương và vô hại. Trong tiểu thuyết Chú dế bên lò sưởi của nhà văn Charles Dickens thì dế còn được nuôi như thú cưng. Ở Việt Nam, hình tượng chú dế mèn trong tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài với các nhân vật côn trùng như chú Dế mèn, chú Dế choắt, chú Dế trũi, võ vĩ Bọ ngựa, võ sĩ Bọ muỗm.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hình tượng động vật trong văn hóa http://m.doisongphapluat.com/to-quoc-xanh/kham-pha... http://www.myanmars.net/myanmar/myanmar-flag-emble... http://baodansinh.vn/ga-trong-doi-song-van-hoa-vie... http://baophapluat.vn/truyen-hinh-giai-tri/con-vat... http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/hinh-tuong-con-... http://baoninhthuan.com.vn/news/20072p0c67/con-ron... http://dantri.com.vn/xa-hoi/them-mot-suoi-ca-than-... http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/29-nhi... http://www.vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhu... http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/kh...